Có người tội lỗi nào quá xấu xa đến nỗi không thể được Thiên Chúa tha thứ không, quá xấu xa đến nỗi không thể được bao gồm trong lòng thương xót của Ngài không?
Anh chị em thân mến, chúng ta nên tìm câu trả lời từ bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi được minh họa qua ba dụ ngôn nổi tiếng: con chiên đi lạc, đồng bạc bị đánh mất, và người con trai hoang đàng hư hỏng. Ba dụ ngôn này cho chúng ta thấy rõ ràng điều này mà không thể nghi ngờ được: đó là lòng thương xót của Thiên Chúa đột phá mọi quan niệm giới hạn của loài người về cách Ngài nên đối xử với những tội nhân. Chúa Giêsu bắt đầu dụ ngôn thứ nhất và thứ hai bằng những câu hỏi này: “Có người đàn ông nào trong các ngươi…?”, “Có người đàn bà nào trong các ngươi…?” Rõ ràng là trong hết thảy nhân loại, không có người đàn ông nào, không có người đàn bà nào, khi đối xử với kẻ xúc phạm đến mình, lại có thể có được lòng thương xót giống như Thiên Chúa đối xử với những người tội lỗi. Để hiểu được phần nào lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân, dù chỉ là một người, thì chúng ta phải khờ dại như người chăn chiên “để 99 con chiên… ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được một con chiên bị lạc mất”; phải khờ dại như người đàn bà bỏ công sức:“thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được một đồng bạc” bị đánh mất, dù giá trị không bao nhiêu; chúng ta phải khờ dại như người cha Do Thái, chẳng những không hề trách phạt, mà còn vui mừng đón tiếp và phục hồi địa vị làm con cho đứa con trai trở về từ cuộc sống hoang đàng, sa đọa tới mức còn tệ hơn một kẻ ngoại đạo. Nói tóm lại, đối với mỗi một người tội lỗi, dù xấu xa, ghê gớm đến mấy, Thiên Chúa vẫn sẵn lòng thương xót thứ tha và cứu vớt, đến nỗi xét theo quan điểm loài người Ngài phải bị xem là khờ dại hay quá thiên vị.
Thưa anh chị em, đối với những người tội lỗi, lòng thương xót của Thiên Chúa quả thật không có giới hạn: Ngài không những không đưa ra điều kiện nào đối với họ, những kẻ lìa xa Ngài, mà còn muốn làm tất cả để tìm lại họ cho kỳ được, để đem họ trở về với Ngài cho bằng được, dù chỉ là một người. Tuy nhiên, có một điều Thiên Chúa không muốn làm đó là ép buộc loài người tội lỗi chúng ta phải tiếp nhận lòng thương xót của Ngài. Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn luôn có sẵn đó, và có sẵn không giới hạn, nhưng tiếp nhận lòng thương xót đó hay không là điều hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Nếu chúng ta lìa xa Thiên Chúa, lòng thương xót của Ngài có lẽ vẫn không ích gì cho chúng ta cho đến khi chúng ta “hồi tâm” giống như người con hoang đàng trong dụ ngôn thứ ba. Nghĩa là, lòng thương xót của Ngài chỉ bắt đầu có hiệu quả đối với chúng ta khi chúng ta tối thiểu nhận ra rằng vì tội lỗi mà chúng ta ra khốn nạn đến chừng nào, và chúng ta muốn thoát khỏi tình trạng đó.
Anh chị em thân mến, chúng ta không bao giờ được nghi ngờ điều này, đó là Thiên Chúa quá thương xót chúng ta đến nỗi Ngài đã trao ban cho chúng ta chính Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô trong khi chúng ta vẫn còn là những người tội lỗi. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về sự thật này trong bài đọc hai trích từ thư thứ nhất ngài gửi môn đệ Timôthêô: ngài viết: “Đây là điều đáng tin cậy và đáng đón nhận hoàn toàn: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”. Bởi vì chúng ta có được một vị Thiên Chúa quá giàu lòng thương xót như thế, cho nên chúng ta có thể đầy tin cậy và an vui mà hành trình tiến về Ngài trên con đường của Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đi sai đường, lạc hướng, Thiên Chúa vì lòng thương xót nhất định tìm kiếm chúng ta mà đem trở về. Tuy nhiên, chúng ta phải chọn không tiếp tục lạc đường và phải khiêm tốn tiếp nhận bàn tay Thiên Chúa vốn vẫn đưa ra để dìu dắt chúng ta trở về nhà. Việc chúng ta trở về lại với Thiên Chúa nhất định là niềm vui cho Ngài và triều thần thánh thiên quốc.
BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM C – 2013
Chúng ta vừa nghe lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng Luca hôm nay: "Các ngươi không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được", các ngươi không thể "làm tôi hai chủ được, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ". Mới nghe, chúng ta có thể nghĩ lời này của Chúa chỉ đúng cho ai đó chứ không đúng cho chúng ta, chẳng phải rõ ràng là chúng ta chỉ làm tôi cho mỗi một mình Thiên Chúa hay sao. Nhưng xét mình cho kỹ, chúng ta sẽ thấy lời của Chúa Giê-su cũng có phần áp dụng cho chính chúng ta.
Thưa anh chị em, thật ra chúng ta đâu có cần phải đặt tiền bạc, của cải vật chất trên bàn thờ quỳ xuống lạy nó mỗi ngày thì mới thật sự làm tôi cho nó. Chỉ cần trong một hành động mà chúng ta vì tiền bạc, vì của cải vật chất, mà làm ngược lại với lời Chúa dạy thì chúng ta đã phản Ngài mà theo tiền của, phần nào làm tôi cho nó trong hành động đó rồi. Ví dụ khi chúng ta ăn gian của chính phủ, ăn gian của một công ty dù đó là chỗ chúng ta đang làm, hay tiệm thực phẩm chúng ta đi chợ, hay tiệm fastfood chúng ta đi ăn, vv... , trong đầu chúng ta đâu có nghĩ là chúng ta đang chối Chúa hay chống lại Chúa đâu; chúng ta chỉ nghĩ nào là chính phủ hay công ty quá giàu, chúng ta có ăn gian gì thì cũng chẳng là bao, nào là chúng ta bị đánh thuế cao, bị trả lương thấp, nên phải lấy lại những gì vốn là của mình, nào là nếu chúng ta không lấy thì dư ra hay quá hạn người ta cũng bỏ đi, vân vân và vân vân. Tuy nhiên nghĩ sao thì nghĩ, thực tế là vì lợi ích vật chất mà chúng ta đang hành động ngược lại với lời Chúa dạy: nếu không phải ngược lại với điều thứ bảy và thứ mười trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa: "chớ lấy của người, chớ tham của người", thì cũng ngược lại với lời Chúa Giê-su dạy chúng ta: "Hễ 'có' thì phải nói 'có', 'không' thì phải nói 'không'; thêm thắt điều gì là do ác thần" (Mt. 5,37).
Một bên là Thiên Chúa và một bên là tiền của và những lợi ích khác của trần thế, muốn biết chúng ta tận tụy, sốt sắng, gắn bó với bên nào hơn thì dễ lắm: chỉ cần xem chúng ta quan tâm và lợi dụng cơ hội thời gian cho bên nào hơn thì biết thôi. Ví dụ: có được mấy thứ Sáu đầu tháng mà chúng ta dành chút thời gian để viếng nhà thờ chầu Mình Thánh Chúa? Còn thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn tức Black Friday mỗi năm, có lần nào chúng ta bỏ cơ hội đi mua đồ rẻ, ngay cả dậy sớm xếp hàng một vài tiếng đồng hồ trước khi cửa tiệm mở? Nhiều người trong chúng ta nghỉ làm hầu như mỗi thứ Bảy, có bao nhiêu thứ Bảy chúng ta dành giờ cho Chúa nhiều hơn các ngày thường trong tuần bằng việc cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, đi xưng tội, dự thánh lễ? Còn cách đây một hai tháng có một cuối tuần mà Chùa Xá Lợi có ca nhạc miễn phí, dù chùa ở mãi tận trên Frederick, nhưng không thiếu người Công Giáo lặn lội đến tham dự cả mấy tiếng đồng hồ. Cũng cần nói thêm, những anh chị em đó vốn nghĩ xem ca nhạc miễn phí dại gì không đi, nhưng thực tế đến đó mỗi người cũng bỏ ra mười lăm, hai chục đồng, không mua đồ ăn thì cũng mua vé sổ số ủng hộ. Nếu tiền gây quỹ dùng vào việc từ thiện bác ái thì người Công Giáo đóng góp vào cũng tốt thôi, nhưng nếu tiền gây quỹ dùng vào việc xây chùa thờ Phật, để bảo tồn và phát dương Phật pháp, thì những anh chị em Công Giáo nào đóng góp đã vô tình hành động không phù hợp với bổn phận chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi muốn chúng ta cùng lắng nghe những lời Chúa Giê-su muốn nói qua sách Gương Phúc: "Nhiều người muốn nghe thế gian hơn nghe Thiên Chúa, và dễ dàng theo những bản năng của xác thịt hơn theo điều đẹp lòng Thiên Chúa. Thế gian hứa những cái tạm bợ và ít giá trị, mà người ta hăm hở phụng sự nó, còn Ta hứa những cái vĩnh cửu và tuyệt hảo mà lòng người vẫn lãnh đạm thờ ơ... Vì chút lợi nhỏ, người ta chạy cả quảng đường xa; còn để có sự sống vĩnh cửu, ngay cả nhấc một bước chân, nhiều người lấy làm khó khăn... Để có cái tốt trường cửu, để có phần thưởng không thể lượng giá, để có danh dự cao nhất và vinh quang bất diệt, người ta lại không muốn có sự cố gắng nhỏ nhất... Vậy thì, hỡi tôi tớ lười biếng và cằn nhằn, hãy xấu hổ khi thấy người đời sẵn sàng làm việc cho sự chết còn hơn con làm việc cho sự sống. Họ vui mừng vì sự phù hoa còn hơn con vui mừng vì chân lý. Và dầu vậy không hiếm khi họ thất bại, không đạt được những hy vọng của mình, nhưng lời Ta hứa không lừa dối ai, cũng không để bất kỳ ai tin cậy vào Ta bị lừa dối. Điều gì Ta đã hứa, Ta sẽ ban cho. Điều gì Ta đã nói, Ta sẽ hoàn tất; miễn là một người tiếp tục trung thành yêu mến Ta đến cùng" (Quyển 3, Chương 3).
"Một Linh Mục Gốc Thanh Đức"