Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Thư chung gửi Cộng đồng Dân Chúa: Hội Thánh tại Việt Nam và công cuộc Tân Phúc-Âm-hoá

Văn Kiện » Văn Kiện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam







 
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
*
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
VÀ CÔNG CUỘC TÂN PHÚC-ÂM-HÓA
Anh chị em thân mến,
“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (x. 2Cr 13,13). Chúng tôi, các giám mục từ 26 giáo phận Việt Nam, quy tụ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn để tham dự Đại hội lần thứ XII của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin cảm ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho chúng tôi để Đại hội diễn ra cách tốt đẹp và bình an. Nay Đại hội đã kết thúc, qua Thư Chung này, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em những công việc đã làm trong Đại hội, cách riêng về sứ vụ Tân Phúc-Âm-hoá.
1. Bước vào Đại hội trong khung cảnh Năm Đức Tin, chúng tôi vui mừng được nghe biết về những hoa trái thiêng liêng nơi các tín hữu cũng như các cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, dòng tu, đã tích cực học hỏi và nỗ lực canh tân đời sống đức tin. Các cuộc cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ đã giúp cho đức tin của mỗi người được thanh luyện, củng cố và đổi mới. Đồng thời, khi nghe biết về những khó khăn và thử thách mà một số cộng đoàn phải đối diện, chúng tôi hiểu rằng sống đức tin luôn luôn là một thách đố, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, người môn đệ Chúa Giêsu vẫn được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng yêu thương của Chúa, trở thành chất xúc tác cho việc xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
Ngoài ra, chúng tôi cũng lắng nghe và góp ý cho nhau về nhiều sinh hoạt và công việc của Hội Thánh tại Việt Nam, cách riêng là công trình xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Đại hội cũng dành nhiều thời giờ cho việc bầu chọn Ban Thường vụ của Hội Đồng Giám Mục cũng như các chủ tịch của các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục trong nhiệm kỳ mới.
2. Giờ đây chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em về định hướng và chương trình mục vụ trong những năm tới. Trong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cũng là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7 – 28 tháng 10 năm 2012. Thật vậy, ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa trên khuôn mặt các Kitô hữu và ánh sáng ấy phải lan đến những người khác, giống như từ ngọn nến phục sinh, vô vàn những ngọn nến khác được thắp lên trong Đêm Vọng Phục Sinh.[1] Ngoài ra, chúng ta còn được nhắc nhở cách riêng về sứ mệnh đó trong năm nay, khi Hội Thánh tại Việt Nam kỷ niệm 25 năm tuyên phong 117 chứng nhân đức tin (19.06.1988 – 19.06.2013), là những hoa trái thánh thiện của công cuộc Phúc-Âm-hóa.
3. Mục tiêu của Phúc-Âm-hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc-Âm-hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.
Phúc-Âm-hóa là sứ vụ mang tính toàn diện, vì “ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hi vọng”.[2] Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng đi này. Người đứng về phía những nạn nhân của các thảm họa và bất công. Người liên đới với những ai bị xã hội loại bỏ. Liên đới và xót thương những nạn nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội phải trở thành đòi hỏi thiết yếu trong sứ vụ Phúc-Âm-hóa.[3]
4“Tân Phúc-Âm-hóa” không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”.[4] Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội được sứ điệp Phúc Âm.
Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa đòi duyệt lại toàn bộ các sinh hoạt mục vụ ở tất cả mọi bình diện, nghĩa là phải thực hiện cuộc hoán cải từ trong tâm thức đến định hướng và phương pháp khi làm mục vụ. Từ kinh nghiệm của các nước đã có nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nếu chúng ta không nhanh chóng thực hiện cuộc hoán cải mục vụ này, thì trong tương lai không xa, Hội Thánh tại Việt Nam cũng có thể rơi vào tình trạng băng giá của mùa đông đức tin như một số nơi trên thế giới.
Chương trình canh tân đời sống đức tin cần được lồng vào trong tổng thể của kế hoạch mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục trình bày trong Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Thư Chung ấy là chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi thực hiện kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):
– Năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;
– Năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;
– Năm 2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.
5. Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình. Cách cụ thể, mới đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10 năm 2014 về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh Phúc-Âm-hoá”. Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 cũng nhấn mạnh: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng, nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.[5]
6. Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.
– Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động. Hoàn cảnh sống hiện nay gây nhiều khó khăn trở ngại cho việc gia đình cùng sum họp cầu nguyện. Tuy nhiên đây là đòi hỏi quan trọng trong đời sống gia đình công giáo. Vì thế, cùng với việc siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích, chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này.
– Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl  3,12-13).
– Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống, được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa Hằng Sống. Vợ chồng Kitô hữu yêu thương nhau bằng một tình yêu mở ra với sự sống, tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, cộng tác với Thiên Chúa Tạo Hóa qua việc sinh con có trách nhiệm, giáo dục con cái nên người tốt và nên con cái Chúa. Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên dạy các đức tính nhân bản và đức tin, là thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Vì thế, các bậc cha mẹ phải ý thức trách nhiệm của mình là những nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế, bằng chính gương sáng của mình.
– Gia đình là cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đồng thời, khi có thể, xin anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ và giới thiệu Đức Kitô cho người khác.
7. Để đồng hành với các gia đình trong sứ mệnh cao cả nói trên, chúng tôi đề nghị một số việc mục vụ sau:
Việc chuẩn bị cho giới trẻ bước vào đời sống hôn nhân và gia đình là đòi hỏi khẩn thiết hơn bao giờ hết. Các bạn trẻ cần ý thức và sống đời hôn nhân như một ơn gọi và sứ mệnh cao quý, được chọn lựa với ý thức, tự do và trách nhiệm. Đôi bạn Kitô hữu còn được mời gọi sống bí tích Hôn Phối như dấu chỉ hữu hình và hữu hiệu của tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh, một tình yêu phong nhiêu, duy nhất và bất khả phân ly. Để được như thế, cần có sự chuẩn bị xa, chuẩn bị gần, và chuẩn bị trực tiếp cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân.
Trong bối cảnh có nhiều biến động về văn hóa-xã hội ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ cần phải nhắc lại chân lý này: định chế gia đình đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Định chế này dựa trên bản tính con người, do chính Thiên Chúa thiết lập, hướng đến thiện ích của chính gia đình và xã hội; vì thế, mọi cá nhân và tập thể xã hội cần nhìn nhận và tôn trọng định chế này.
Đồng hành với các gia đình trẻ ngày nay là yêu cầu mục vụ quan trọng, để giúp họ sống tình yêu vợ chồng với tinh thần trách nhiệm, phục vụ sự sống, biết hòa hợp tình thương trong tổ ấm gia đình với trách nhiệm xây dựng Hội Thánh, xã hội và đất nước.
Với những anh chị em đang gặp khó khăn vì hôn nhân đổ vỡ và gia đình ly tán, một đàng chúng ta vẫn phải nêu cao lý tưởng đời sống hôn nhân công giáo, đàng khác phải đồng hành và nâng đỡ họ, thay vì bày tỏ thái độ lên án và loại trừ.
Hiện nay, có nhiều nhóm, hiệp hội, phong trào tu đức và tông đồ đang dấn thân chăm lo mục vụ gia đình theo những cách thế và mức độ khác nhau. Những phong trào này cần được các mục tử đồng hành và hướng dẫn, nâng đỡ và khích lệ, để họ góp phần cách cụ thể và hài hòa với chương trình mục vụ chung trong mỗi giáo xứ, giáo phận.
Các giáo phận nên quan tâm đến việc đào tạo giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân chuyên trách mục vụ gia đình. Những người này sẽ cộng tác với các giám mục giáo phận trong việc xây dựng và triển khai những chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận cũng như giáo xứ. Chúng tôi cũng muốn gửi lời kêu gọi đặc biệt đến anh chị em văn nghệ sĩ và giới truyền thông công giáo. Ước mong anh chị em vận dụng tài năng Thiên Chúa ban, để tôn vinh vẻ đẹp đích thực của tình yêu hôn nhân và gia đình. Các linh mục tương lai cũng cần được chuẩn bị chu đáo hơn về mục vụ gia đình, để có thể đồng hành với các gia đình cách hữu hiệu.
 Anh chị em thân mến,
Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ với anh chị em những thao thức mục vụ cũng như những đề nghị cụ thể, nhằm góp phần vào nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Ước mong những đề nghị này được anh chị em - cách riêng, các linh mục là những cộng tác viên gần gũi của hàng giám mục - đón nhận để cầu nguyện, suy nghĩ, khai triển và thực hiện ở nhiều cấp độ: gia đình, giáo xứ, giáo phận. Hướng về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những tấm gương sáng ngời trong sứ mệnh Phúc-Âm-hóa, chúng ta hãy thân thưa với các ngài:
Lạy Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là con thảo của Cha trên trời, là chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, là thành phần trung kiên của Hội Thánh, xin giúp chúng con biết trân trọng di sản đức tin mà các ngài đã truyền lại cho chúng con bằng máu và nước mắt. Xin cho chúng con mạnh dạn sống đức tin trong gia đình cũng như xã hội, theo tấm gương xán lạn của Thánh Gia Thất, để chiếu tỏa ánh sáng đức tin khắp nơi nơi; nhờ đó chúng con có thể tích cực góp phần thi hành sứ mệnh truyền giáo, đem lại hoa quả dồi dào trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Làm tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, ngày 10 tháng 10 năm 2013
                      + Cosma Hoàng Văn Đạt                         + Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
                                      (đã ký)                                                          (đã ký)
                          Giám mục Bắc Ninh                                Tổng giám mục Hà Nội
                       Tổng thư ký HĐGM.VN                               Chủ tịch HĐGM.VN

5 PHÚT CHO LỜI CHÚA 13/10/13


CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – C = Lc 17,11-19
TÂM TÌNH BIẾT ƠN
Đang khi đi, họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. (Lc 17,14-16) 

Suy niệm: Bộ phim Danh sách Schindler (từng được giải thưởng Oscar) có một kết thúc thật cảm động. Schindler là một nhà công nghiệp người Đức đã cứu trên ngàn người Do Thái khỏi trại tập trung. Trước ngày ông tháo chạy về phía tây, những người Do Thái đã tháo chiếc răng vàng còn sót lại để luyện thành chiếc nhẫn tặng ân nhân mình với dòng chữ: “Ai cứu được một mạng sống là cứu được cả thế giới”. Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Làm ơn chớ nên nhớ, được ơn chớ nên quên”. Cũng như những người Do Thái Ba Lan, Người phong Samari đã ghi nhớ “được ơn chớ nên quên”, nên đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình dưới chân Đức Giêsu tỏ lòng biết ơn. Còn chín người phong Do Thái kia chỉ dừng lại ở quà tặng, mà không biết hướng đến Đấng ban tặng. Thật đáng tiếc!

Mời Bạn: Hãy luôn nói tiếng cám ơn mỗi khi nhận được một điều gì từ người chung quanh. Bạn cũng đừng coi những gì Chúa ban là điều bình thường mà quên cảm tạ Chúa, bạn nhé!

Chia sẻ: Làm cách nào để cuộc đời tôi luôn là lời tạ ơn Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nói tiếng cám ơn với người thân và nói lời tạ ơn với Chúa mỗi tối trước khi đi ngủ.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban vì có hại cho con. (Rabbouni)


Thánh lễ mừng 180 năm Thánh Phê-rô Lê Tùy lãnh triều thiên tử đạo

Thánh lễ mừng 180 năm Thánh Phê-rô Lê Tùy lãnh triều thiên tử đạo

Thứ bảy - 12/10/2013 21:28
Thánh lễ mừng 180 năm Thánh Phê-rô Lê Tùy lãnh triều thiên tử đạo
Thánh lễ mừng 180 năm Thánh Phê-rô Lê Tùy lãnh triều thiên tử đạo
Trung tâm hành hương Bằng Sở, ngày 11/10/2013 là chính ngày đại lễ mừng sinh nhật nước trời lần thứ 180 của Thánh Phê-rô Lê Tùy. Khắp mọi nẻo đường hướng về đền thánh, nhộn nhịp tưng bừng, lớp lớp người hối hả, mừng vui. Tại quảng trường Trung Tâm Hành Hương, ngay từ sớm đã chật kín người mang theo những tâm tình dâng về Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Phê-rô Lê Tùy.


" Dù ai xuôi ngược đâu đâu, 11 tháng 10 rủ nhau mà về,
Bằng Sở ấy chính là quê, Lê Tùy Hiển Thánh đúng ngày giỗ Cha."
Trung tâm hành hương Bằng Sở, ngày 11/10/2013 là chính ngày đại lễ mừng sinh nhật nước trời lần thứ 180 của Thánh Phê-rô Lê Tùy.
Khắp mọi nẻo đường hướng về đền thánh, nhộn nhịp tưng bừng, lớp lớp người hối hả, mừng vui. Tại quảng trường Trung Tâm Hành Hương, ngay từ sớm đã chật kín người mang theo những tâm tình dâng về Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Phê-rô Lê Tùy.
Đúng 7h30', quí khách hành hương có cơ hội được tìm hiểu về chặng đường lịch sử đời sống chứng tá cho Đức Ki-tô, dù phải đón nhận cái chết của các thánh tử đạo Việt Nam, qua các video được trình chiếu trên các màn hình lớn xung quanh lễ đài. Sau đó là những cuộc trò chuyện, gặp gỡ chứng nhân đức tin là những người đã nhận được ơn cách đặc biệt, nay muốn chia sẻ những câu chuyện hết sức bình dị và chân thật để tôn vinh Thiên Chúa và Cha Thánh Phê-rô Lê Tùy.
Thánh lễ mừng kính 180 năm Cha Thánh Phê-rô Lê Tùy hưởng hồng phúc tử đạo được diễn ra lúc 9h30' do Đức Cha FX. Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục Thái Bình chủ tế; cùng đồng tế với ngài có hơn 70 linh mục đến từ các giáo miền của Giáo phận Hà Nội, cũng như các giáo phận lân cận và hàng chục ngàn tín hữu đến từ khắp mọi miền của đất nước.
Mở đầu bài chia sẻ Tin Mừng, Đức Cha FX Nguyễn Văn Sang đã xua đi những mệt nhọc và sự oi bức của thời tiết, bằng câu chuyện hết sức dí dỏm về những lý do mà Ngài có mặt để chủ tế Thánh lễ ngày hôm nay. Và theo Ngài đó chính là ân huệ của Chúa qua lời cầu bầu của Thánh tử đạo Phê-rô Lê Tùy.
Đức Cha đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc đời của Cha Tùy trong suốt bài giảng: " việc chém đầu không phải là một dấu chấm hết kết thúc cuộc đời anh dũng của vị nhân chứng lỗi lạc này, nhưng thực ra trong suốt cuộc đời của Ngài đã là một chuỗi ngày tử đạo, được diễn ra trong từng giây phút cuộc đời. Như Cha Tùy khi xin đi học tại chủng viện Nam Định , chấp nhận sống đời sống dòng tu là đời sống đòi hỏi nhiều hy sinh, khắc khổ, và bị cám dỗ về tinh thần cũng như vật chất.... làm sao kể hết được. Đó chẳng phải là những bài tập về tử đạo trong thời gian cấm cách đó sao! Rồi khi lãnh chức phó tế, Thầy Tùy được cử đi truyền giáo ở Nghệ An, Nghệ An vào thời đó cũng là nơi xa xôi cách trở, khác biệt giọng nói, phong tục tập quán... chắc thầy cũng phải khắc phục những bài tập tử đạo trong suốt những năm thực tập đấy. Rồi sau khi thụ phong linh mục, lần lượt làm phó rồi chính xứ Nam Định. Không biết Ngài có giây phút nào về vinh qui bái tổ tại bản quán hay không? Ngài đã phải hy sinh đầu rơi, máu chảy ở xứ người và bị chém đầu. Đó là một cách tử đạo, Ngài đã sống trung thành. Và trước khi chấm dứt cuộc đời của mình để làm chứng cho Chúa ở xứ người, rồi mới trở lại quê hương mà ban phúc lộc cho mọi người. Một nét nữa làm chứng cuộc tử đạo của Ngài, đó là tinh thần lạc quan vui vẻ, bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù gặp phải khốn khó tới đâu hoặc bất cứ tiếp xúc với nhân vật nào, người vẫn giữ được tinh thần lạc quan, nụ cười vui vẻ. Như lời Đức Cha Hậu: " Không ai mà không hài lòng với Cha Tùy."
Kết thúc bài giàng Đức Cha chủ tế đã kêu gọi cộng đoàn noi gương đời sống chứng tá của Thánh Phê-rô Lê Tùy, khi Ngài nhất quyết không nhận mình là thầy lang, và không chịu tiền chuộc để đổi lấy sự sống như lời khuyên của quan quyền. Trong khi ngày nay, rất nhiều người người công giáo đội lốt bằng những bộ quần áo đẹp và lỗng lẫy. Đi ra khỏi nhà thờ, bỏ quần áo vào trong tủ, bỏ lốt ra, thấy mình hết bổn phận người công giáo chân chính. Thế là tự do sống, miễn là không ai biết mình, thậm chí nếu có biết thì tặc lưỡi: " Đi lễ khác, ở ngoài đời thì phải khác, Chúa thông cảm cho."
Xin dành những tâm tình của Đức Cha chủ tế như thay cho lời kết: " Có lẽ không phải CHỈ CHẾT VÌ TỬ ĐẠO mà SỐNG CHO ĐẾN CHẾT VÌ ĐẠO, vượt qua ba thù; thế gian, ma quỉ, xác thịt; Vui tươi lạc quan đem Tin Mừng cho hết mọi người và tôn trọng công lý, tình thương trong mọi hoàn cảnh, để sau này được nhập đoàn cùng với anh chị em chúng ta, với cha thánh Phê-rô Lê Tùy, Đức Mẹ Mân Côi và Ba Ngôi Thiên Chúa đến muôn đời.
A1
A2
A3
A4
A5
A6
A7
A8
A9
A10
A11
A12
A13
A14
A15
A16
A17
A18
A19
A1_bai_xe_cong_vien
TTHH Bằng Sở

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Linh Muc Nguyen Khac Hy Giang tai GX San Antonio

Kinh Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy Giáo Sư Tiến Sĩ Tin Lý,Thần Học. Giáo Sư nhiều Đại Chủng Viện Hoa Kỳ.
Chúng con mạo muội xin phép cha tung lên blog Thanh Đức clip video Cha giảng thuyết nhiều nơi tại Hoa Kỳ.
Chúng con, con cái Thanh Đức tại quê nhà,cũng như khắp nơi trên Thế Giới được nghe nói nhiều về Cha với sự ngưỡng mộ đáng kinh,
chúng con với tâm tình con cái Thanh Đức xin được chia sẻ cùng với Cha những ngưỡng mộ,kính mến Cha bằng cách cop lại video Cha Giảng thuyết,tìm hiểu sống đạo v..v.để chia sẻ với bà con Thanh Đức chưa có dịp trực tiếp nghe Cha giảng thuyet.
Cha với sự hiểu biết rộng,sâu sắc thuyết phục đem lại cho người nghe và dự khán thấu hiểu ,nâng cao được nhiều về tin lý,và cách sống đạo  sống động,dễ hiểu.dễ tiếp thu.mà giới nào cũng học hỏi được.



Sinh viên Thanh Đức giao lưu với Sinh viên GX An Thượng























tin tuc GX que nha

Kính quý Cha, quý Tu sĩ và quý đồng hương TĐHN.
BCH chúng con kính chuyển tiếp lời thăm hỏi sức khỏe của Ông Chủ tịch Ban Thường Vụ HĐGX đến Quý Cha và Quý vị.
Và báo tin việc bầu cử lại HĐGX với nhiệm kỳ 4 năm thống nhất toàn GP/ĐN theo thông tư của Giáo phận trong một ngày gần đây.
Chúng con cũng được biết Giáo xứ sẽ có vài thay đổi quan trọng trong tương lai. Chúng con đưa tin này với nguồn tin hành lang và dè dặt.
Kính xin Quý Cha, Quý Tu sĩ và Quý Đồng Hương cầu nguyện cho Giáo Xứ luôn được Chúa và Hai Thánh Quan Thầy Phero và Phalo quan phòng phù hộ để luôn xứng đáng là một Giáo xứ đàn anh của Giáo Phận.
Chúng con sẽ phổ biến và biếu tặng đến Quý Cha và Quý vị những hình ảnh thăm mục vụ của ĐTGM Đại diện ĐTC tại Giáo xứ ngày 15/9/2013 vừa qua.
Kính.
BCH/TĐHN

Thư Kêu Gọi Đóng Góp Giúp Người Nghèo Nhân Dịp Giáng Sinh 2024

Thư Kêu Gọi Đóng Góp Giúp Người Nghèo Nhân Dịp Giáng Sinh 2024 Thưa Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Đồng Hương Đại Gia Đình Than...