Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Tết Nguyên Đán là gì ?

 
Danh từ "Tết" do danh từ Hán-Việt "tiết" đọc trệch ra, có nghĩa là "ngày lễ"; "Nguyên" là "bắt đầu" hay "đầu tiên"; "Đán" có nghĩa là "buổi sớm". Vậy Tết Nguyên Ðán nghĩa là "ngày lễ của buổi sớm đầu tiên". Theo âm lịch hay lịch ta, trong một năm có nhiều tết chẳng hạn như Tết Nguyên Đán, tết Thượng Nguyên, tết Hàn Thực, tết Ðoan Ngọ, tết Trung Nguyên, tết Trung Thu, v.v... Tết quan trọng và lớn nhất trong năm của người Việt Nam là Tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Ðán được cử hành vào ngày đầu năm âm lịch, tức là ngày một tháng Giêng ta. Vì Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm, cho nên người ta còn gọi là Tết Cả. Để khỏi lầm lẫn với dương lịch, Tết Nguyên Đán cũng còn được gọi là Tết Ta (trong khi mồng một tháng Giêng dương lịch thì gọi là Tết Tây).  
 
Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Năm mới khởi đầu bằng mùa Xuân nên có ý nghĩa rất thiêng liêng với đời sống của dân Việt. Con người và vạn vật được tái sinh sau khi đã trút bỏ một năm cũ, chấm dứt bằng mùa đông ảm đạm thê lương và tàn tạ: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Ðông tàn (mùa Xuân sinh nở, mùa Hạ thì lớn lên, mùa Thu thì thâu lại, mùa Ðông thì tàn tạ). Do quan niệm này người xưa không nói "đón năm mới" mà nói "đón Xuân" (nghinh Xuân). Đón mừng Xuân mới rất trang trọng, vì mùa Xuân đem lại một cuộc sống mới, nguồn sinh lực mới, và một niềm hy vọng mới đem lại hạnh vận cho mọi người.   
 
Táo quân là thần Táo, hay còn gọi là vua bếp là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo lại về trời để tâu với Ngọc Hoàng thượng đế trong một bản tường trình gọi là Sớ Táo Quân nói về những chuyện đã xẩy ra trong nhân gian trong năm qua; đồng thời sẽ tâu trình Ngọc Hoàng để xin những ân huệ cho trần gian trong năm sắp tới. Vì vậy vào ngày đó người dân Việt Nam thường cúng kiến rất long trọng để tiễn thần Táo về chầu Ngọc Hoàng, và đến ngày 30 lại cúng để mời ông bà và Táo quân về ăn Tết. Theo tục lệ, để đưa tiễn ông Táo về chầu trời, đồ cúng thường là hoa quả, xôi gà, áo mão bằng giấy, đôi hia, và con cá chép thả trong chậu nước để Táo quân cỡi về trời (theo truyền thuyết, ông Táo có thể cỡi cá chép bay về trời được vì cá chép có thể hóa ra rồng bay lên mây, lên trời được). Nói chung tục lệ này nhằm để răn dạy người ta nên giữ gìn hạnh kiểm, vì mọi sự đều sẽ được tâu lên với Ngọc Hoàng. 
 
Kể từ ngày 23 tháng Chạp, bà con từ thôn quê cho tới thành thị đều nghỉ việc để sửa soạn đón Tết. Người ta bắt đầu sơn phết, dọn dẹp lại nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết. Họ mời nhau đi ăn tất niên để tổng kết và ôn lại công việc làm ăn trong năm vừa qua.
 
Trong ngày Tết, hoa Mai và hoa Đào là hai thứ hoa không thể thiếu. Ở miền Bắc, hoa đào nở rộ mỗi dịp xuân về. Ở miền Nam, hoa mai cũng đua sắc (trưng mai vào ngày Tết không những vì mai nở rộ, mà còn là vì người miền Nam đọc mai thành "may" trong may mắn). Hoa Đào và hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Hoa mai trưng vào dịp Tết là giống mai vàng, trổ thành từng khóm nhỏ trên cành cây mong manh cạnh những lộc non mơn mởn. Hoa đào màu hồng, cũng trổ thành khóm, thuộc giống bích đào (chỉ có hoa, không đậu quả) mới quý.  Nhiều gia đình tin rằng những cành mai, đào nở rộ tươi tốt vào sáng mùng Một Tết sẽ đem lại sự thịnh vượng cho cả năm. Ngoài cành Đào, cành Mai, mấy ngày tết người ta còn chưng thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc...
 
Tùy theo từng vùng, người Việt Nam làm những món bánh mứt, sắm sửa hoa quả, cỗ bàn để ăn mừng năm mới. Miền Trung và miền Nam có bánh tét hay còn gọi là bánh đòn; ở miền Bắc Việt Nam có bánh chưng, bánh dày. Bánh chưng là một thứ bánh làm bởi gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, tiêu, hành, gói bằng lá dong hay lá chuối rồi "chưng" lên (hay nấu, luộc) trong nhiều tiếng đồng hồ cho chín nhừ đi. Cứ vào dịp Tết, người ta gói bánh chưng và làm bánh dầy cúng tổ tiên để tưởng nhớ tới công ơn sinh thành của các bậc tiền nhân hoặc để biếu Tết lẫn nhau.  
 
Theo phong tục từ lâu đời, bánh dày, bánh chưng xuất hiện từ ngày lập quốc khi chưa có văn tự. Theo truyền thuyết, đời Vua Hùng Vương thứ 17, có 18 người con, đến Tết năm ấy vua truyền lịnh cho các con trai rằng ai mang đến cho nhà vua loại bánh nào tuyệt hảo nhất, sẽ được nối ngôi vua. Lúc đó hoàng tử Lang Liêu, mồ côi mẹ nên không ai giúp đỡ. Trong cơn mơ, được thần nhân mách bảo cho biết cách dùng gạo nếp làm hai thứ bánh: bánh dày hình tròn không có nhân tượng trưng cho trời, ý nghĩa là công cha; bánh chưng gói lá hình vuông, trong có nhân đậu và thịt heo, ngoài lá cột dây, tượng trưng cho đất (theo quan niệm thời xưa đất hình vuông có cây cối, sông ngòi, thực vật, ngũ cốc...), và cũng tượng trưng cho sự cưu mang của người mẹ - Nghĩa mẹ. Khi dâng 2 thứ bánh này cho vua cha và nghe Lang Liêu giải thích về ý nghĩa 2 loại bánh, vua cha liền truyền ngôi cho hoàng tử Lang Liêu. Sau khi lên ngôi, Lang Liêu truyền lệnh cho cả nước giữ tập tục ăn bánh dầy, bánh chưng vào dịp đầu năm để tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha me, tổ tiên.
 
Ngoài các thứ bánh trái, trên bàn thờ đều không thể thiếu mâm ngũ quả.  Ngũ là năm (5) vì vũ trụ được tạo bởi năm nguyên tố căn bẳn: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong một điều gì đó. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất.  
 
Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là mãng cầu, dừa xiêm, nhành sung, đu đủ, và xoài xanh. Mãng Cầu, tức là cầu chúc cho mọi điều đều như ý; có Dừa, vì âm "dừa" tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu; có Sung, vì gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc; rồi Đu Đủ, vì có nghĩa là một năm mới được đầy đủ thịnh vượng; có Xoài, vì tên "Xoài" na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Ngày nay, các mâm ngũ quả còn được chen thêm nhiều loại quả khác để cho thêm phần đẹp mắt, chẳng hạn như Dưa Hấu, Táo, Đào Tiên, Quýt...
 
Tục Mâm Quả ngày Tết là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, nó biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng ước mong một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.
 
Ngoài các loại bánh trái trên, trong ngày Tết không thể thiếu dưa hấu,  ý nghĩa là cầu mong sang năm mới may mắn như ruột dưa hấu đỏ tươi; vì màu đỏ là màu tượng trưng cho thắng lợi và may mắn của người Á Đông.  
 
Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ tới già ai ai cũng biết, sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.
Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi:  Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Đầu năm, người ta hay ghé lại các cây cổ thụ trong sân đình, chùa để hái một nhánh cây non đem về treo trước nhà hoặc trưng trên bàn thờ. Có lẽ vì chữ "lộc" (ý chỉ "nhánh cây non") trùng âm với "bổng lộc, phước lộc" nên người ta tin rằng đem được cành lộc về nhà thì tương tự như rước được phước báu vào gia đình. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm về nhà, tự xông nhà hay dặn trước người "nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình "nặng vía". Chính vì vậy, sáng mùng Một lại ít khách.
 
Lễ chúc thọ:  Sáng sớm ngày mồng một Tết, con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo qua việc mừng tuổi chúc thọ cho ông bà cha mẹ. Mừng tuổi vì người Việt Nam quan niệm rằng hôm ấy mỗi người đều lên 1 tuổi, không phân biệt ngày sinh nhật như người phương Tây. Ông bà, cha mẹ cũng chuẩn bị ít tiền lì xì để mừng tuổi cho con cháu trong nhà cũng như con cháu của hàng xóm láng giềng và bạn bè thân thích để gọi là "lấy hên" (điềm may mắn) trong năm mới. Tiền lì xì thường để trong bao màu đỏ, vì màu đỏ theo quan niệm của người Á Đông là điềm may mắn, thắng lợi. Lời chúc tết thường là sức khoẻ, phát tài, phát lộc. Những người năm cũ gặp rủi ro thì động viên nhau "tai qua nạn khỏi" hay "của đi thay người" nghĩa là trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Nhưng nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa. 
Tết là dịp để đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi:  Vào dịp Tết, để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người cấp bậc trên, những người mà ta đã chịu ơn hay quý mến, người ta thường hay mua sắm những quà Tết như bánh chưng, bánh mứt, gà, gạo nếp, trái cây,  v.v... để đem đi tặng biếu. Trong ba ngày Tết thì con cái, cháu chắt chúc Tết ông bà và cha mẹ, học trò chúc Tết thầy cô giáo, cấp dưới chúc Tết cấp trên v.v...; mọi người thân thuộc, hàng xóm láng giềng, bạn bè đi thăm hỏi vui chơi với nhau trong những ngày Tết.  

Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước khai ấn, học trò, sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Nông, Công, Thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suông sẻ.  Sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mùng Một tốt thì chiều mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo không kể mùng Một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình một sản phẩm, một dụng cụ gì đó. Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.