Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Thanh Đức Hải Ngoại Chúc Mừng Giáng Sinh 2013 & Năm Mới Dương Lịch 2014




Ban Chấp Hành Thanh Đức Hải Ngoại kính chúc:
- Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận Đà Nẵng
- Đức Cha Phaolo Tịnh
- Quý Đức Ông, Quý Cha Quản Xứ, Phó Xứ, Quý Cha tại Hải ngoại và Quý Tu Sĩ Nam Nữ
- Quý Vị Ban Thường Vụ, Hội Đồng Giáo Xứ, các Ban ngành Giáo Xứ Thanh Đức
- Quý Đồng Hương Hải ngoại và Xứ nhà, Quý Ân nhân, Thân Hữu.
Mùa Giáng Sinh 2013 an bình và thánh thiện của Chúa Hài Đồng
Năm Mới Dương Lịch 2014 dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Ban Chấp Hành Thanh Đức Hải Ngoại

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM A – 2013




Thánh Gioan Tẩy Giả xem ra là người lạ kỳ. Dĩ nhiên có những điểm nơi ngài giống với các ngôn sứ trong Cựu Ước, bao gồm cả chuyện ngài "mặc áo lông lạc đà" (cf. I Các Vua 1,8; Zek 13,4). Nhưng có nhiều điểm Gioan Tẩy Giả khác với các ngôn sứ trước ngài. Chẳng hạn, ngài ăn "châu chấu và mật ong rừng", nghĩa là đồ ăn hoang dã. Rồi ngài không rao giảng ở những nơi đông người nhưng "trong hoang địa miền Giu-đê", đúng như lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo về ngài: "Có tiếng người hô trong hoang địa". Tuy giảng trong hoang địa, nhưng thánh Gioan Tẩy Giả vẫn thu hút "người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ngài".. Cũng giống như nhiều ngôn sứ trước ngài, thánh Gioan Tẩy Giả cũng rao giảng sự hối cải nhưng đặc biệt nhấn mạnh lý do cấp thiết của nó: vì "Nước Trời đã đến gần". Vì Thiên Chúa đã chọn Gioan làm vị tiền hô của Con Một Ngài, nên Ngài đã hoán cải nhiều tâm hồn nhờ qua lời rao giảng và việc làm của Gioan.

Anh chị em thân mến, hối cải - sứ điệp mà thánh Gioan Tẩy Giả nói cho dân Do Thái thời xưa, cũng chính là điều Thiên Chúa muốn nói với tất cả chúng ta trong Chúa Nhật thứ Hai Mùa Vọng hôm nay.

Ý nghĩa đầu tiên của hai chữ hối cải mà chúng ta ít nhiều cũng biết được đó là ăn năn sám hối và dốc lòng chừa cải. Ăn năn sám hối đối với những hành động, thái độ sai trái xấu xa, nhất là những gì thuộc về tội trọng, rồi dốc lòng chừa cải, thay đổi sẽ không làm những hành động đó, sẽ không có những thái độ đó nữa. Để một người có thể ăn năn sám hối về những hành động, thái độ tội lỗi của mình, thì trước tiên người đó phải nhận biết những hành động, thái độ đó là tội lỗi. Thế mà văn hóa thịnh hành ở Âu Mỹ càng bị tục hóa thì càng đánh mất ý thức về tội lỗi. Người Công Giáo, kể cả người CG Việt Nam, sống trong xã hội Âu Mỹ cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Không cần phải đợi cho đến lúc chúng ta phạm tội, sống trong tội mà không áy náy lương tâm chút nào, thì mới gọi là bị ảnh hưởng. Việc đánh mất ý thức về tội lỗi cũng đã phần nào ảnh hưởng trên chúng ta, khi mà mặc dầu cá nhân chúng ta chống lại một số tội, nhưng chúng ta vẫn không có can đảm ngăn chặn người khác phạm những tội đó, kể cả những người thuộc trách nhiệm quan tâm của chúng ta. Ở Mỹ có những chuyện mà văn hóa thịnh hành cách đây năm sáu chục năm xem là hiển nhiên sai trái về mặt luân lý, nhưng phần lớn vì những người có trách nhiệm trong gia đình hay trong xã hội lừng khừng, thiếu dứt khoát ngăn chặn chúng lúc ban đầu, cho nên càng về sau chúng càng lan tràn đến mức văn hóa thịnh hành ngày hôm nay, chẳng những không phê phán chúng, mà còn ủng hộ, và luật pháp thì bảo vệ chúng như những quyền dân sự.  Ở VN, cha mẹ CG nào có ý thức đạo đức cao không thể nào chấp nhận để cho con cái mình phạm điều răn thứ sáu: ăn ở với người yêu của nó trước khi kết hôn. Nhưng sau khi sống ở Mỹ một thời gian, với nhiều lý do nặng nhẹ  khác nhau, nhiều cha mẹ CG đã mắt nhắm, mắt mở để con cái mình sống như vậy ngay trong nhà mình và nhiều lúc cả một thời gian dài trước khi kết hôn. Dù có những cha mẹ làm vậy lý do sau cùng cũng chỉ vì thương con, sợ mất con, nhưng làm vậy tức là chúng ta đã thỏa hiệp, đã không còn tận trung với Chúa Giê-su rồi. Ngài đã từng nói với chúng ta: "Ai yêu mến Ta thì phải giữ lời Ta";  "Ai thương cha, thương mẹ hơn Ta... Ai thương con trai, con gái hơn Ta, thì không xứng đáng với Ta" (Mt. 10,37). Đàng khác, khi vì tận trung với Chúa Giê-su mà chúng ta đành mất mát tình thương này, hy sinh tình yêu nọ, thì đừng quên rằng những gì Ngài cho lại chúng ta sẽ còn nhiều hơn, quý hơn vô vàn lần những gì chúng ta đã cho Ngài. Thật vậy, chính Ngài đã từng hứa: "Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và còn được sự sống đời sau làm gia nghiệp". Thật ra, nếu chúng ta thương con cái chúng ta là vì chúng nó, hơn là vì chúng ta, thì chúng ta phải làm sao để chúng có được điều tốt đẹp nhất. Thế mà điều tốt đẹp nhất chính là hạnh phúc thiên đàng, mà hạnh phúc đó chỉ có Chúa Giê-su, chứ không phải chúng ta, mới có khả năng ban cho con cái chúng ta mà thôi. Vậy thì chúng ta không nên hành động ngược lại với Lời của Ngài.  

Nhưng thưa anh chị em, hối cải mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ý nghĩa không chỉ giới hạn vào việc ăn năn sám hối và dốc lòng chừa cải đối với những hành động, thái độ tội lỗi. Hối cải là từ Hán Việt dùng để dịch từ "metanoein" trong nguyên bản Hy Lạp của Tin Mừng Matthêô. Metanoein hàm ý sự thay đổi tâm trí. Matthêô lại dùng từ Hy Lạp này để chuyển dịch từ "shuwb" trong tiếng Hy Bá, tiếng Do Thái cổ, dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước: Shuwb có nghĩa là quay trở về. Như thế hối cải mà Thiên Chúa muốn đó là thay đổi tận cõi lòng và quay trở về với Ngài như là cùng đích mà đời sống chúng ta quy hướng về. Hối cải mà Thiên Chúa muốn là sự biến đổi triệt để và cực đoan, sâu xa hơn rất nhiều những gì chúng ta vốn nghĩ. Cho dù chúng ta không có hành động hay thái độ nào mang tính tội lỗi nghiêm trọng cả, chúng ta cũng vẫn cần hối cải bao lâu mà chính Thiên Chúa vẫn chưa ở vị trí trung tâm trong cõi lòng chúng ta, bao lâu mà mọi hoạt động và phản ứng trong đời sống thường nhật của chúng ta vẫn chưa dứt khoát và liên tục quy về một mối duy nhất là Thiên Chúa, chỉ vì Ngài và cho Ngài. Sự hối cải của chúng ta vẫn còn dang dở, vẫn còn xa mức hoàn thiện bao lâu mà diễn tiến của đời sống chúng ta vẫn chưa rõ ràng đi theo một trật tự duy nhất đó là "tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài" (Mt. 6,33).

Anh chị em thân mến, là người Ki-tô hữu chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho biết kết hiệp với Ngài trong vinh quang thiên quốc trường cửu mới là hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm cho cá nhân của mình cũng như cho tha nhân, nhất là những người thân yêu của chúng ta. Nếu hạnh phúc này không phải là niềm hy vọng, là lẽ sống của chúng ta trên trần thế này, thì chúng ta tin Thiên Chúa có ích gì? Mùa Vọng này là lúc chúng ta thành thật xét mình để biết có phải cho đến nay hạnh phúc thiên đàng vẫn chỉ là cái gì mờ nhạt yếu ớt trong tâm trí chúng ta, không thật sự là điều chúng ta khao khát và do đó không phát sinh trong chúng ta sức mạnh giúp chúng ta từ khước và loại trừ những gì cản trở chúng ta và tha nhân đạt được hạnh phúc đó không? Đối với những người không phải là Ki-tô hữu, vì không được mặc khải của Thiên Chúa giống như chúng ta, cho nên hạnh phúc, nếu có thật, chính yếu cũng chỉ ở đời này, ở bên này nấm mồ, dù đó là tiền của, quyền lực, danh vọng, khoái lạc chính đáng hay bất chính, vv... Cho nên lý do họ tiếp tục sinh tồn đó là nếu còn tận hưởng được những thứ hạnh phúc như thế của đời này, thì nên tiếp tục sống mà hưởng, sau khi chết còn đâu mà hưởng; còn nếu không tận hưởng được hạnh phúc gì nhưng nếu không có quá đau khổ, thì cũng nên tiếp tục sống, dù sống chỉ để mà sống, chỉ để cho hết kiếp này, chỉ để cho qua ngày tháng. Thưa anh chị em, những lý do vừa nói không thể là lẽ sống của chúng ta ở đời này được, bằng không việc chúng ta theo Ki-tô giáo, theo Đạo Công Giáo chẳng những không có ích gì mà còn là cớ khiến chúng ta khốn nạn hơn. Thật vậy, chúng ta phải cẩn thận để khỏi trúng vào lời khiển trách nặng nề sau đây của thánh Phê-rô: "Những kẻ đã thoát khỏi những điều ô uế của thế gian, nhờ được biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa và Đấng Cứu Độ, mà lại vướng mắc vào đó một lần nữa và bị khống chế, thì tình trạng sau này của họ trở nên tồi tệ hơn trước. Quả thật, thà họ không biết đường công chính, còn hơn là khi đã biết rồi mà lại lìa bỏ điều răn thánh đã được truyền cho họ. Điều xảy ra cho họ thật đúng với câu châm ngôn sau đây: Con chó quay lại đồ nó mửa và: Con heo tắm xong lăn vào bùn" (2 Pr. 2, 20-22).



"Một Linh Mục gốc Thanh Đức".

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Cha Matthew Nguyễn Khắc Hy Dòng Xuân Bích giảng Tĩnh Tâm Mùa Vọng 2013

Tĩnh tâm Mùa vọng Giáo Xứ Đức Me Lộ Đức Houston TX tổ chức ngày 10,11,12 tháng 12 Cha  Matthew Nguyễn Khắc Hy Dòng Xuân Bích giảng Tĩnh Tâm với chủ đề "Khi tìm thấy,hãy báo để chúng tôi cũng đến bái lạy Người"
Blogthanhduchn tham dự đêm tĩnh tâm ngày 10 tháng 12 năm 2013 tại Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức ghi lại một số trích đoạn xin chia sẻ cùng bà con Thanh Đức về bài giảng của Cha Hy trong Mùa Vọng.
Hy vọng bà con ta đón nhận với tâm tình con cái Thanh Đức,được Ngai nhắc đến trong bài giảng Ngài có đề cập đến nơi chốn Ngài sinh ra và lớn lên tạị  Thanh bồ,Đức lợi...
chúng tôi cập nhật bài giảng [Video clip] trong thời gian gần nhất


















Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

CHƯƠNG TRÌNH PHỤNG VỤ GIÁNG SINH 2013

Thứ hai, ngày 09 tháng mười hai năm 2013


CHƯƠNG TRÌNH PHỤNG VỤ
GIÁNG SINH 2013
+++++
GIÁO XỨ THANH ĐỨC, ĐÀ NẴNG

http://tapviethangngay.blogspot.com


Ngoài ra, theo "thói quen" (người viết chưa dám sử dụng từ "truyền thống") vốn có từ lâu, để chia sớt ân tình với những người nghèo, bệnh tật, neo đơn và đang gặp khổ đau phần hồn phần xác, một Chương trình Thánh kinh - Thánh ca được tổ chức vừa để "Mừng Chúa Giáng Sinh", vừa là dịp để bà con Thanh Đức tự nguyện góp những số tiền cho Quỹ " Vì người nghèo" của Giáo xứ. (Xin xem thêm :
Năm nay, Chương trình được thực hiện quy mô hơn với sự góp mặt của hầu hết mọi thành phần trong Giáo xứ, do Ông Phêrô Nguyễn Khang, Thư ký HĐMVGX, làm Trưởng ban Tổ chức.
Kính chúc Quý Cha, Quý Tu sĩ Nam Nữ, Quý Bà con Thanh Đức khắp nơi một Mùa Giáng Sinh an lành và một Năm Mới tràn đầy ân sủng.
---------------------------
nguyenhungdung

Một số hùng ảnh "Giáng Sinh Vì Người Nghèo" tại Thanh Đức những năm vừa qua :













Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Thư chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới ( Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thanh Duc)


Kính gởi Qúy Đức Ông, Qúy Cha, Qúy Tu Sĩ nam nữ, Các Anh Chị trong Ban Chấp Hành Thanh Đức Hải Ngoại, cùng quý Bà Con Thanh Đức xa quê.
 Một mùa Giáng Sinh lại về, và một năm mới cũng đang đến gần. Trong tình yêu Thiên Chúa Hài Nhi, Tôi xin được phép thay mặt Bà Con quê nhà, kính chúc quý Đức Ông, quý Cha ,cùng toàn thể quý vị một mùa Giáng Sinh An Lành và một năm mới Hạnh Phúc,được đầy tràn Ân Sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Kính thưa Qúy Vị. Một năm cũ với nhiều biến động sắp qua đi, trong những biến động đó, các trận bão, sau đó là các trận lũ lụt vừa qua đã gây nhiều nổi kinh hoàng, nhiều tang thương mất mát cho dân tộc, nhất là đồng bào vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình. Chính trong những ngày cái đói chực chờ ngoài cửa đó, Cám ơn Chúa, quý vị Ân nhân đã mở rộng tấm lòng, sẽ chia những đồng tiền mồ hôi của mình cho bà con, và chúng tôi, như những cánh tay nối dài của quý vị ,đã mang những tấm lòng sẽ chia ấy đến với bà con vùng bão lũ. Rất nhiều những hình ảnh cảm động ( chắc quý vị cũng đã theo dõi trên thanhđuchn.blogspot).Cũng rất nhiều những câu nói chân thành :trong đợt đi Tam Trang, vào khoảng hơn 6 g tối, trời đã nhá nhem , chúng tôi đến một ngôi nhà nằm bên vách núi, cách Nhà Thờ chính khoảng hơn 3km,một ngôi nhà trống trơn, lợp che mưa bằng tấm bạt xanh, chỉ có bàn thờ còn một ít ngói che tạm. Khi chúng tôi đến, chỉ gặp một bà cụ lớn tuổi, với 3 cháu nhỏ (ba mẹ phải lên rừng chặt củi bán). Sau khi thăm hỏi, chúng tôi trao phần quà cho Bà Cụ, nghẹn ngào Bà cụ thốt lên "các cháu ơi,tối ni có gạo trắng nấu cháo rồi..cám ơn các ông đi cháu...."Qủa thật, tất cả chúng tôi không cầm được nước mắt trước những lời chân thật ấyl,chính nhờ những tấm lòng của Qúy vị, mà Bà Cháu có cháo ăn trong những ngày đói..Nhắc lại  không phải để chúng ta tự cám ơn nhau, nhưng cùng cảm tạ Thiên Chúa, vì Chúa đã tác động để chúng ta có những hành động như vậy. Tất cả là Hồng Ân Thiên Chúa 
mà thôi.
Trong mùa GS này, ngoài những công tác như mọi năm như tổ chức Thánh Lễ, đêm Thánh Kinh Thánh Ca mừng Chúa giáng sinh,GX cũng có những hoạt động từ thiên, như đến với anh em còn khó khăn trong GX, đến với trẻ em nghèo trong và ngoài GX của các bạn trẻ trong Đội Hạt Cải và Sinh Viên GX(bằng hình thức ông già Noel đi phát quà)..,xin Qúy vị cùng cầu nguyện, xin Thiên Chúa chúc lành cho những nghĩa cử đó
Thư cũng đã dài,trong tình đồng hương Thanh Đức, một lần nữa xin kính chúc Qúy Đức Ông, Qúy Cha cùng toàn thể Bà Con được mọi ơn lành Hồn Xác trong Bàn Tay Thiên Chúa và Mẹ Maria
Trân trọng kính chào.
Trưởng Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ
Giuse Trần Văn Hải

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Suy niệm Chúa Nhật II Mùa Vọng của ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt



  • CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ

    Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh. Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị. Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn. Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp. Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú. Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?
    Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô. Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa. Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.

    1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.
    Vào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú. Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo. Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu. Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.
    Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi. Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.
    Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người. Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ. Con người luôn luôn vội vã đuổi theo công việc. Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt. Không có thời giờ lắng xuống bề sâu. Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh. Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.
    Sa mạc không có đường đi. Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn. Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa. Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân. Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng. Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.
    Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa. Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta. Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

    2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.
    Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ. Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô. Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.
    Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc. Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh. Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nó thuộc về bản năng sinh tồn. Ăn uống đứng đầu các khoái lạc. Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân. Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người. Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

    3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.
    Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc. Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.
    Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.
    Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:
    Đặc tính thứ nhất là triệt để. Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc. Nhưng là thay đổi đời sống. Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn. Là đổi mới hoàn toàn. Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm. Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới. Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…
    Đặc tính thứ hai là cấp bách. Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách. Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.
    Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời. Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực. Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ. Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta. Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”. Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng. Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa. Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền. Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen.

    GỢI Ý SUY NIỆM

    1) Thánh Gioan Tiền Hô chuyển đến ta những sứ điệp nào?
    2) Đối với bạn, sứ điệp nào cấp bách hơn cả?
    3) Cấp bách và triệt để là hai đặc tính của sám hối Phúc Âm. Bạn có quyết tâm làm lại cuộc đời của mình hoàn toàn và ngay hôm nay không?
    4) Bạn đã bao giờ cảm nghiệm niềm vui thiêng liêng do cầu nguyện, sám hối và tự chế chưa?