Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tân Linh Mục của Đan Sĩ Phao lô Vương Lưu Thiện, OSB

Vài hình ảnh Lễ Truyền Chức Linh Muc và Lễ mỡ tay , Tân Linh Mục của Đan Sĩ Phao lô Vương Lưu Thiện, OSB tại Đan Viện Thiên Tâm Kerens texas

Đan sĩ Linh Mục  Paulavang Vuong osb :  sinh ngay 4 thang 4 nam 1961,tại Thành Phố Đà Nẵng Việt Nam, tên cúng cơm là Vương Lưu Thiện,
Là con thứ 3 của gia đình Ông Bà Vương Xuân Hiền (có 5 người con)
Vào Nhà Tập Dòng Biển Đức Thiên An Huế : Tháng 7 ngày 10 năm 1989 
Khấn lần đầu   : Ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm,  Tháng 12 ngày 8 1990  tại Đan viện Biển Đức Thiên An Huế, Việt Nam
Khấn Vĩnh Viễn: Ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm, Tháng 12 ngày 8 năm1995,tại Đan viện Biển Đức Thiên An Huế, Việt Nam
Thụ Phong Phó Tế        06/06/2013  Tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerren , Texas
Thụ Phong Linh Mục     03/22/2014  Tại Đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerren , Texas













Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Báo tin


Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Thanh Đức Hải Ngoại xin báo tin đến Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và Quý Đồng Hương:
-
Cụ Ông Antôn Hoàng Tín đã được Chuá gọi về Nhà Cha ngày 24/3/2014 tại Stockton, California. Hưởng thọ 93 tuổi.

Kính xin Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ và Quý Đồng Hương hiệp  dâng thánh lễ, cầu nguyện, thăm viếng và tham dự thánh lễ an tang để cầu nguyện cho linh hồn Cụ Ông Antôn sớm được Chúa thương đón nhận vào chốn vĩnh hằng, hưởng phúc quê Trời.

Ban Chấp Hành Thanh Đức Hải Ngoại thành kính chia buồn đến gia đình tang quyến.

Trân trọng.
BCH Thanh Đức Hải Ngoại

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Chia buồn






Kính chào Qúy Đức Ông, Quý Cha, Qúy Tu Sĩ Nam Nữ, và Qúy Đồng Hương Thanh Đức:
 
Ban Chấp TĐHN chúng con xin được báo tin:
 
Bà Anna Nguyễn Thị Quy (thường gọi Bà Luyện) đã được Chúa gọi ngày 16/3/2014 tại Chicago, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 77 tuổi. Nay chúng con xin kính báo và xin qúy vị cầu nguyện cho Linh Hồn Bà Anna Nguyễn Thị Quy được Chúa thương đón nhận vào hưởng vinh phúc quê Trời.
 
Thánh lễ an táng vào lúc 10am ngày 22/3/2014 tại Nhà Thờ Giáo xứ Trinh Vương, số 219 Armicage Road, Glen Dale Heights, IL. 60187. Mọi liên lạc với tang gia, xin gọi Chị Trần Nguyệt, Đt.: (630) 398-2947

BCH Thanh Đức Hải Ngoại xin chia buồn đến Cha Nguyễn Huy Hoàng, các anh chị Trần Nguyệt, Trần Mai, Trần Xuân, Trần Loan, Trần Hiến, Trần Hương, Trần Hiếu, Trần Linh, Trần Hải và tang quyến.
  
Trân Trọng
BCH Thanh Đức Hải Ngoại



Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

báo tin Bà Matta



Kính chào Quý Đức Ông, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và Quý Đồng Hương Thanh Đức,

BCH Thanh Đức Hải Ngoại chúng con xin được báo tin Bà Matta Nguyễn Thị Hậu qua đời vào ngày 1 tháng 3 năm 2014 tại San Jose, California. Hưởng dương 69 tuổi.  Kính xin qúy vị xem cáo phó đính kèm để biết thêm chi tiết.

Quý Cha và qúy vị niên trưởng có lẽ biết Chị Matta Nguyễn Thị Hậu người gốc Thanh Bồ và là vợ của anh Nguyễn Tịnh, con trai đầu của cụ ông Tịnh Tôn xưa ở Đức Lợi. Nay chúng con kính báo và mong qúy Cha và qúy vị đồng hương xa gần hiệp lời cầu nguyện cho Linh Hồn Bà Matta Nguyễn Thị Hậu sớm được Chúa thương đón nhận vào hưởng vinh phúc quê trời.

Ban Chấp Hành Thanh Đức Hải Ngoại xin thành kính phần ưu đến gia đình tang quyến về sự ra đi của người thân thương.

Trân Trọng

BCH Thanh Đức Hải Ngoại

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014


Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô: 2014

”Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” (Xc 2 Cr 8,9)

Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Mùa Chay, tôi muốn cống hiến anh chị em vài suy tư có thể giúp anh chị em trong hành trình hoán cải bản thân và cộng đồng. Tôi lấy hứng từ câu nói của thánh Phaolô: ”Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9). Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu Kitô thành Corintô để khích lệ họ quảng đại trong việc giúp đỡ các tín hữu thành Jerusalem ở trong tình trạng túng thiếu. Những lời này của thánh Phaolô nói gì với các Kitô hữu chúng ta ngày nay? Lời nhắn nhủ trở nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

Ân sủng của Chúa Kitô

Trước tiên những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tỏ mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng bằng những phương thế yếu đuối và nghèo nàn: ”Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em...”. Chúa Kitô, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Ngài đã cởi bỏ, ”trở nên trống rỗng”, để trở nên giống chúng ta hoàn toàn (Xc Pl 2,7; Dt 4,15). Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào! Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến. Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách. Và đó là điều Thiên Chúa đã làm với chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu ”đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22,2).

Lý do thúc đẩy Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải là sự nghèo nàn tự nó, nhưng - như thánh Phaolô đã nói - ”.. là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài”. Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng! Trái lại đó là một sự tổng lô-gíc của Thiên Chúa, lô-gíc yêu thương, lô-gíc Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống chúng ta từ trên cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giordano và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cái; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đó chính là con đường Ngài chọn để an ủi chúng ta, cứu thoát chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng lầm than. Chúng ta có ấn tượng mạnh vì Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta đã được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Kitô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài. Tuy Thánh Phaolô biết rõ ”những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8), ”là người được thừa tự mọi sự” (Dt 1,2).

Như thế, cái nghèo mà Chúa Giêsu dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang, là gì? Thưa đó chính là cách thức Ngài yêu thương chúng ta, Ngài trở nên người thân cận của chúng ta như Người Samaritano nhân lành đến gần người bị bỏ mặc giở sống giở chết bên vệ đường (Xc Lc 10,25tt). Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực, ơn cứu độ thực sự và hạnh phúc đích thực chính là tình yêu thương xót, dịu dàng và chia sẻ của Ngài. Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giêsu giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa. Ngài giàu sang như một trẻ em giàu sang khi cảm thấy được yêu thương và mến yêu cha mẹ, và không nghi ngờ một giây phút nào về tình thương và sự dịu dàng của cha mẹ. Sự giàu sang của Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa; tương quan có một không ai với Chúa Giêsu chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Messia nghèo khó này. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy ”ách nhẹ nhàng” của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên giàu có bằng ”cái nghèo giàu sang” và ”sự giàu sang nghèo” của Ngài, chia sẻ với Ngài tinh thần con thảo và huynh đệ, trở nên con cái trong Con của Ngài, là anh em trong người Anh Trưởng Tử (Xc Rm 8,29).
Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh (L. Bloy); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.

Chứng tá của chúng ta

Chúng ta có thể nghĩ rằng ”con đường” nghèo như thế là con đường của Chúa Giêsu, trong khi chúng ta, là những người đến sau Ngài, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích hợp của con người. Không phải như vậy. Trong mọi thời đại và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu vớt con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí tích, trong Lời Chúa và trong Giáo Hội của Ngài, là một dân tộc gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên Chúa không thể đến với chúng ta qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo của chúng ta, bản thân và cộng đoàn, được Thần Khí của Chúa Ktiô linh hoạt.

Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy. Lầm than (miseria) không đồng nghĩa với nghèo (povertà); lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: những người bị thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành nhưng vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Sự dấn thân của chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng những của cải. Vì thế, các lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ.

Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần mà chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự.

Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền tin mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người.

Anh chị em thân mến, ước gì Mùa chay này thấy được toàn thể Giáo hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống hối thì không có giá trị. Tôi không tín nhiệm việc làm phúc mà chẳng làm cho chúng ta mất mát hoặc không gây đau đớn nào.

Xin Chúa Thánh Linh, - nhờ Ngài ”chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả” (2 Cr 6,10),- nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Vatican ngàyb 26 tháng 12 năm 2013

Lễ Thánh Stephano, Phó Tế và là Vị Tử Đạo tiên khởi

G. Trần Đức Anh, O.P, chuyển ý

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Thiệp mời tham dự Thánh Lễ Truyền Chức và Tiệc Mừng truyền chức Linh Mục



Kính chào Quý Đức Ông, Qúy Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, và Quý Đông Hương Thanh Đức và Thân Hữu

Ban Chấp Hành TĐHN chúng con xin được chuyển tiếp đến Qúy Đức Ông, Quý Cha và Quý Vị thiệp mời tham dự Thánh Lễ Truyền Chức và Tiệc Mừng truyền chức Linh Mục Thầy Phó Tế Đan Viện Phaolô Vương Lưu Thiện vào ngày 22 tháng 3 năm 2014 tại Dallas, Texas. Xin qúy vị xem files đinh kèm để biết thêm chi tiết cũng như lien lạc với gia đình của Thầy Vương Lưu Thiện. Ban Chấp Hành chúng con xin mời Qúy Cha và qúy vị đồng hương thân hữu ở Dallas cũng các thành phố lân cận đến tham dự mừng Mục Tử mới là gốc con cái của Thanh Đức.

BCH chúng con cũng mong đợi Tân Linh Mục tương lai sẽ Chủ Tế Thánh Lễ Đại Hội Thanh Đức Hải Ngoại kỳ thứ XXV đánh dấu kỷ niệm 25 năm thành lập Thanh Đức Hải Ngoại sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9 năm nay tại Trung Tâm Công Giáo của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Nam California. Chúng con sẽ thong báo chi tiết về Đại Hội trong những ngày sắp tới,

Trân trọng

BCH Thanh Đức Hải Ngoại


Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Lễ kính Lập Tông Tòa Thánh Phêrô


Mừng lễ Chúa thiết lập Tông Tòa Thánh Phêrô . Cũng trong dịp này ,100 tập sinh của toàn thể Hội dòng Xitô đã về tĩnh huấn tại đan viện Châu sơn Nho quan . Hôm nay là ngày bế mạc , Đức TGN Giu Se đã chia sẻ Lời Chúa đến với chúng ta . Xin mời Quý Thân Hữu cùng suy tư và cảm nghiệm .

+++++++++++++++
Lễ kính Lập Tông Tòa Thánh Phêrô

ĐỨC TIN LÀ ĐÁ TẢNG
1Pr 5, 1-4; Mt 16, 13-20
Bế mạc khóa Tĩnh huấn
Tập sinh toàn thể Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam
Châu sơn Nho quan ngày 22-02-2014

Việc lập Tông Tòa Thánh Phêrô được Chúa Giêsu minh nhiên trong một công bố long trọng: “Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

Chúa Giêsu tuyên bố thành lập Giáo Hội sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Điều này có nghĩa là Giáo Hội được xây trên nền tảng đức tin. Và cũng cho thấy đức tin phát sinh những hiệu quả lạ lùng.

Đức tin là ân huệ Chúa ban. Như Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Này Simon, con ông Giona, con thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho con điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đó là món quà lớn lao Chúa ban tặng. Món quà đó lớn lao vì mặc khải cho ta biết những chân lý cao sâu của Thiên Chúa, của Nước Trời. Mặc khải ấy biến đổi cuộc đời, nâng ta lên một phẩm giá mới.

Đức tin biến đổi con người. Với đức tin Simon giờ đây trở thành Phêrô. Simon là con người dòn mỏng yếu đuối vì cậy dựa vào sức riêng. Phêrô là Đá Tảng vững chắc vì tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Với sức riêng ta không thắng nổi thế lực ma quỉ, xác thịt, thế gian. Nhưng bằng sức mạnh của Thiên Chúa, không thế lực nào có thể tàn phá chúng ta.

Đức tin củng cố Giáo hội. Chỉ khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa mới quả quyết xây dựng Giáo hội. Vì Giáo hội được xây dựng cho con người. Vì cho con người nên Giáo hội gồm những cơ chế hữu hình là những con người. Đó là những Simon yếu ớt mong manh với biết bao yếu đuối lầm lỗi. Nhưng Giáo hội vững mạnh kiên cường vì xây dựng trên đức tin. Trên những Đá Tảng Phêrô vững mạnh. Vững mạnh vì dựa trên Chúa Kitô là tảng đá góc tường. Giáo hội là của Chúa, nên cửa hỏa ngục không thể thắng vượt được.

Đức tin hợp nhất Giáo hội. Mỗi người mỗi ý. Kẻ thì nói Êlia. Kẻ thì nói Gioan Baotixita. Kẻ thì nói Giêrêmia. Chỉ có Phêrô tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống. Đó là cốt lõi của đức tin. Đó là nền tảng của Giáo hội. Đó cũng là nguyên lý hợp nhất. Mọi Êlia, Gioan Baotixita, Giêrêmia phải qui hướng về Chúa Giêsu Kitô. Vì Chúa Giêsu Kitô mới là Cứu Chúa, là ơn cứu độ. Mọi tông đồ phải qui hướng về Phêrô. Vì Phêrô đã được Chúa chính thức ủy nhiệm làm đại diện trên trần gian. Đó chính là tầm quan trọng của việc thiết lập Tông Tòa Thánh Phêrô. Vì thế mọi người phải vâng phục Đức Giáo hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô.

Đức tin phát triển Giáo hội. Đức tin là cầu nối giữa con người với Thiên Chúa. Làm cho Giáo hội hữu hình được liên kết với Đấng vô hình. Đem Đấng Vô Hình vào thế giới hữu hình. Đó là cây cầu rất mong manh nhưng rất cần thiết. Con người yếu đuối thường làm gấy nhịp cầu. Vì thế đức tin cần được thanh luyện. Chính Phêrô, người tuyên xưng đức tin kiểu mẫu cũng đã có lần va vấp. Nhưng Chúa muốn thế để ngài có kinh nghiệm. Để sau khi đức tin được thanh luyện, ngài giúp củng cố đức tin cho anh em.

Chính vì thế trong thư thứ nhất, ngài kêu gọi các vị kỳ mục hãy quan tâm chăm sóc đoàn chiên để thanh luyện đức tin cho họ. Đức tin chính là mạch máu của Giáo hội. Khi đức tin vững vàng, sức sống thần linh khai thông, đoàn chiên được nuôi dưỡng trở nên mạnh mẽ, Giáo hội sẽ phát triển vững vàng.

Mừng lễ Chúa thiết lập Tông Tòa Thánh Phêrô, chúng ta tạ ơn Chúa ban cho chúng ta hồng ân đức tin cao quí. Nhờ đó ta nhận biết những chân lý cao sâu về Thiên Chúa và về Nước Trời.

Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và các vị có trách nhiệm hướng dẫn chúng ta được vững mạnh trong đức tin, để củng cố chúng ta, hợp nhất chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta trong đồng cỏ đức tin xanh tươi, để Giáo hội được phát triển mạnh mẽ.

Chúng ta luôn thanh luyện đức tin chúng ta. Không dừng lại ở những Êlia, Gioan Baotixita hay Giêrêmia, dù đó là những vị thánh thiện, đáng kính trọng. Nhưng luôn tập trung vào Chúa Giêsu Kitô nền tảng và cốt lõi của đức tin.

Và trong năm Tân Phúc-âm-hóa, đặc biệt trong khóa tĩnh huấn dành cho các tập sinh toàn thể Hội dòng Xitô Thánh gia Việt nam, chúng ta hãy sống đức tin sống động bằng bày tỏ niềm vui tươi trong đời dâng hiến, như thế chúng ta cho mọi người thấy hình ảnh trung thực về Nước Trời.

Trong mọi lúc chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, con tin, nhưng xin nâng đỡ đức tin yếu kém của con. Amen

photo: Thành Hưng.